Biểu tình Biểu tình phản đối Trung Quốc tại Việt Nam 2014

Ở trong nước Việt Nam

Ngày 9 tháng 5

Chiều 9 tháng 5, một cuộc biểu tình nhỏ quy tụ hàng chục người, gồm các nhân sĩ trí thức và thanh niên đã diễn ra trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội.[19]

Ngày 10 tháng 5

Sáng ngày 10 tháng 5, một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đã diễn ra tại TP. HCM, với sự hiện diện của khoảng hơn 100 người, được báo chí trong nước đăng tải.[20][21][22][23]

Ngày 11 tháng 5

Sáng chủ nhật 11 tháng 5 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đã diễn ra với hàng ngàn người tham gia.[24][25][26] Tuy nhiên một số blogger, và các nhà hoạt động cho rằng họ bị gây áp lực để không tham gia biểu tình.[27] Người của nhóm 54 nhân sĩ trí thức cho biết họ đã bị đoàn thanh niên chiếm diễn đàn và bị cắt Micro không có cơ hội phát biểu.[28] Cùng ngày, người dân HuếQuảng Nam cũng xuống đường.[25] Các đài truyền hình Việt Nam đưa tin rất khác nhau về việc này - VTV không đề cập đến các vụ biểu tình;[29] HTV nói trong cuộc tuần hành ở Hà Nội, sau khi được chính quyền "kiên trì giải thích" về chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, người dân tự giải tán;[30] còn VTC1 đã dành nhiều thời lượng để nói về các cuộc biểu tình trên khắp cả nước.[31] Theo hãng tin AP, cuộc biểu tình hôm chủ nhật này là lớn nhất kể từ năm 2011 khi Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam.[32] Hãng tin AFP cũng gọi đây là một trong những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc lớn nhất tại Việt Nam.[33] Theo AP là có sự cho phép của chính phủ Việt Nam, khác với những cuộc biểu tình trước kia thường bị sách nhiễu và đôi khi bị đánh đập và người biểu tình bị bắt.[32]

Trao đổi với BBC Tiếng Việt qua điện thoại vào cùng ngày, ông Phạm Gia Khiêm, cựu ủy viên Bộ Chính trị, cựu Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, cho là các cuộc biểu tình này sẽ có tác động đến phía Trung Quốc:"Phản đối của nhân dân Việt Nam thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền của nhân dân Việt Nam, Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên nghiên cứu nghiêm túc để mà thấy được những mặt sai trái của mình và có những hành động cho đúng với quốc tế."[34]

Ngày 12, 13 và 14 tháng 5

Vào khoảng 16h chiều ngày 13 tháng 5, hàng trăm công nhân tại tỉnh Đồng Nai đã xuống đường cầm cờ, mang biểu ngữ phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đoàn người xuất phát từ cổng công ty sản xuất giày da có vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp Trung Quốc ở trung tâm TP.Biên Hòa, vòng qua các tuyến đường lớn đến sân vận động tỉnh Đồng Nai.[35] Nhiều nhân chứng nói có thấy một số người chạy xe gắn máy không phải là công nhân địa phương xuất hiện tại hãng sản xuất giày của Đài Loan ở làng An Phú nằm phía đông bắc thành phố Hồ Chí Minh, hô hào những khẩu hiệu yêu nước.[8]

Trong khi đó ở Bình Dương tại khu công nghiệp Việt Nam – Singapore 1, Việt Hương và Sóng Thần 1 cuộc biểu tình đã xảy ra từ hôm 12/5, sang đến sáng 13/5, con số công nhân tham gia khoảng gần 10.000 người. Đến trưa thì xảy ra bạo động.[36]

  • Nhiều nhóm người quá khích lợi dụng biểu tình (theo công an là "đội lốt công nhân") đã đập phá, cướp tài sản và cả đốt cháy cơ sở vật chất của không chỉ doanh nghiệp Trung Quốc mà còn của Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, gây nhiều hỗn loạn.[37][38] Tính đến chiều 14 tháng 5, toàn tỉnh ở Bình Dương đã có trên 460 công ty (phần lớn của người Đài Loan) bị đập phá và ít nhất 15 nhà máy bị đốt cháy… Có trên 40 cán bộ và công an bị thương khi làm nhiệm vụ, chủ yếu do các đối tượng quá khích dùng gạch đá ném.[39][40][41] Theo nhà báo Huy Đức, trong số 315 nhà đầu tư chịu thiệt hại trong vụ Bình Dương, có 12 công ty bị cháy lớn (nhiều nhà xưởng bị cháy rụi), 3 công ty bị cháy nhỏ, 33 công ty bị trộm cướp tài sản, 196 nhà xưởng bị đập phá, 241 văn phòng bị hư hại, có nhiều văn phòng bị đốt sạch, phá sạch.[15]
    Theo ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong các vụ việc xảy ra, các đối tượng kích động gây bạo loạn có tổ chức rất chặt chẽ.[42]
    Chiều 15/5, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, trong số 800 người bị bắt giữ do liên quan việc lợi dụng việc diễu hành phản đối Trung Quốc để gây rối, đập phá, đốt cháy công ty và trộm cắp tài sản trong khu công nghiệp gần 400 người bị khởi tố hình sự.[43] Một xưởng chế tạo đồ điện tử không bị tấn công nhờ anh gác cổng lanh trí chỉ cho đám đông giận dữ thấy lá cờ Việt và Mỹ treo tại hãng.[44]
  • Chiều ngày 14 tháng 5, tại khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), vào khoảng 2 giờ trưa, theo lời kể của một công nhân làm tại đó, 3 thanh niên đã cản trở không cho công nhân vào làm tại nhà máy thép Formosa của Đài Loan, nơi có lượng lớn công nhân Trung Quốc làm việc, sau đó họ kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc, hàng nghìn công nhân đã tham gia. Đến 18 giờ 30, xe chở công nhân ra về đã bị chận lại, nhóm quá khích đã lôi người xuống đánh. Sau đó họ xâm nhập, đập phá và đốt 2 lò gang thép. Ít nhất một người Trung Quốc thiệt mạng, tổng cộng 149 người khác bị thương. Hiện có 76 người bị bắt giữ để điều tra.[45][46][47] Vào ngày 20 tháng 5, hãng China Metallurgical Group cho biết là tại cơ xưởng thép Formosa Plastics mà họ đang xây dựng ở Hà Tĩnh, 4 công nhân của họ đã chết, ngoài ra 130 người bị thương trong số đó 23 bị thương nặng. Trong số 3.565 công nhân họ làm ở đó chỉ còn chục người ở lại.[48]

Trong khi báo Petrotimes nghi ngờ các tổ chức chính trị lưu vong đứng đằng sau các vụ bạo động,[49] nhà báo Nguyễn Quốc Thái cho là: "những sự việc manh động đó là có bàn tay của những đặc vụ Trung Quốc nhúng tay vào để gây ra những biến loạn đó và họ lấy cớ để có thái độ với Việt Nam."[50] Quan điểm này cũng được bình luận gia Ngô Nhân Dụng của báo Người Việt chia sẻ.[51]

Ngày 26 tháng 5 ông Bùi Hữu Phong, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương, cho biết, ước tính có khoảng 60.000 lao động tại Bình Dương chịu ảnh hưởng do các doanh nghiệp chưa thể hoạt động trở lại ngay. Trong số này, có khoảng 40.000 người đủ điều kiện xem xét hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, 20.000 lao động được xem xét lãnh nhận Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.[52]

Ngày 18 tháng 5

Vào ngày 18 tháng 5, trái ngược với động thái một tuần trước đó, chính quyền Việt Nam đã ngăn cấm và cản trở các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, một vài người bị bắt giữ.[53][54][55]
Tại Hà Nội, phần lớn những người thường tích cực tham gia biểu tình đã bị các nhân viên chính quyền ngăn cản ngay tại nhà. Gần khu vực đại sứ quán Trung Quốc, chỉ có vài nhóm tập hợp, mỗi nhóm khoảng hai ba chục người, nhưng phải giải tán ngay sau đó. Còn tại Sài Gòn, số người tập hợp để chuẩn bị biểu tình có thể lên đến vài trăm người, nhưng không lâu sau cũng bị giải tán.[7] ông Huỳnh Kim Báu, một trong số 54 nhân sĩ trí thức ký tên yêu cầu được biểu tình tuần trước cho biết, ngày hôm nay ông và nhóm 54 người đều bị an ninh cô lập tại nhà.[56]

Ngày 19 tháng 5

Hàng ngàn người thuộc giáo phận Vinh, Nghệ An đã tuần hành đến nhà thờ chính tòa Xã Đoài thuộc Công giáo với các biểu ngữ: "Đoàn kết để bảo vệ Tổ Quốc", "Dân Việt Nam lên án Trung Quốc lấn chiếm", "Lương-giáo đoàn kết bảo vệ Tổ Quốc", "Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam", "Chúng tôi yêu hòa bình", "Chủ quyền đất nước phải bảo vệ", "Sự thật sẽ giải phóng anh em", "Tất cả chúng ta hãy đoàn kết để bảo vệ Tổ Quốc" và đặc biệt là câu khẩu hiệu: "Người giáo dân Vinh không lơ là bổn phận với Tổ Quốc"…[57][58]

Ngày 23 tháng 5

Một phụ nữ tự thiêu trước cổng chính Dinh Độc Lập để phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam. Nạn nhân là bà Lê Thị Tuyết Mai, 67 tuổi, ngụ tại Quận Bình Thạnh, pháp danh Đồng Xuân, phó trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Miền Quảng Đức, một tổ chức thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.[59]

Ngày 4 tháng 6

Một nhóm nhỏ người dân đã bất ngờ biểu tình trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh. Nội dung cuộc biểu tình là phản đối hành động của Trung Quốc, phản đối sự đàn áp biểu tình và kỉ niệm 25 năm vụ thảm sát Thiên An Môn.[60]

Ngày 19 tháng 6

Một ngày sau khi cuộc đàm phán giữa Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, nhân vật ngoại giao cao cấp nhất của Trung Quốc tới Hà Nội từ vụ giàn khoan HD-981, với Việt Nam không mang lại tiến bộ nào, nhóm No-U Hà Nội lại tụ tập tại tượng đài Lý Thái Tổ - Hồ Gươm - Hà Nội để phản đối Trung Quốc. Theo lời tường thuật của họ, có 30-40 người gồm các thành viên No-U Hà Nội cùng bạn hữu, số công an được huy động đông gấp 3,4 lần. Ít nhất 8 người đã bị bắt về đồn trước khi cuộc biểu tình xảy ra nhưng đã được thả ra sau đó cùng ngày.[61]

Tại nước ngoài

6 tháng 5: Cuộc biểu tình đầu tiên xảy ra vào ngày 6 tháng 5 của người Việt ở Little Saigon tại toà tổng lãnh sự Trung Quốc ở Los Angeles, California, chỉ một ngày sau khi họ biết tin Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.[62] Người Việt ở hải ngoại cũng lên tiếng phản đối Trung Quốc ở nhiều nơi khác, ở Berlin[63] ngày 8 tháng 5, tại Frankfurt[63] ngày 10 tháng 5, tại Tokyo[64] và tại Praha ngày 11 tháng 5,[65][66][67] tại Đài Bắc ngày 11 tháng 5.[68]

11 tháng 5: Hơn 2.000 người Việt tại Prague, Séc và khoảng 500 người tại Tokyo, Nhật biểu tình.[69]

16 tháng 5: Khoảng 1.000 người Việt thuộc nhiều thế hệ đã tham gia cuộc biểu tình tại quảng trường Trocadero ở thủ đô Paris, Pháp.[69]

Khoảng 200 người Việt và người Phi biểu tình tại Manila, Philippines.[70]

17 tháng 5: Tại thành phố München, Đức đã có đồng thời hai cuộc biểu tình của người Việt, một cuộc biểu tình được tổ chức dưới lá cờ VNCH trước tòa lãnh sự TQ tại Munich và một cuộc biểu tình khác do nhóm chủ trương không có sự hiện diện của bất cứ lá cờ nào tại trung tâm thành phố.[11] Ở Úc, ngày 17 tháng 5, hơn 200 người Việt đã cùng tập trung trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Melbourne.[71]

Trước tòa lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco cũng như trước cửa Tòa án Công lý quốc tế tại The Hague, Hà Lan, người Việt và du học sinh tổ chức biểu tình.[72]

18 tháng 5: Hơn 3500 người do Cộng đồng Người Việt Tự do tiểu bang Victoria tổ chức biểu tình phản đối Trung Quốc tại Melbourne, Victoria.[71]

Hơn 5000 người biểu tình tại Muenchen, thủ phủ bang Bayern và các thành phố khác của Đức.Trước tòa lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco, một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc.[72]Cộng đồng người Việt, học sinh, sinh viên Việt Nam biểu tình tại Rome, Ý và tại London, Anh quốc.Khoảng 1.400 Việt Kiều và công nhân Việt Nam biểu tình tại Seoul, Hàn Quốc.

25 tháng 5: Khoảng 300 du học sinh và kiều bào đã biểu tình trước Toà thị chính thành phố Sydney, Úc để phản đối Trung Quốc.[73]

26 tháng 5: Tại Hongkong, khoảng 200 người Việt và người ủng hộ đã xuống đường biểu tình chống hành động xâm lược của Trung Quốc. Họ khởi hành từ trụ sở chính của chính quyền đi tới một chi nhánh của bộ ngoại giao Trung Quốc vung cờ đỏ sao vàng.[74]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Biểu tình phản đối Trung Quốc tại Việt Nam 2014 http://www.sbs.com.au/news/article/2014/05/16/hund... http://www.radioaustralia.net.au/vietnamese/2014-0... http://www.afp.com/en/news/large-protests-vietnam-... http://baoconggiao.com/vi/news/Tin-Giao-Xu-Giao-Ho... http://www.bbc.com/news/world-asia-27420008 http://www.bloomberg.com/news/2014-05-14/anti-chin... http://edition.cnn.com/2014/05/14/world/asia/south... http://abcnews.go.com/International/wireStory/viet... http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/vi... http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/vi...